Hoạt động Cộng hòa Miền Nam Việt Nam

Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tuyên bố là chủ thể có quyền hợp pháp tại miền Nam Việt Nam, khi thành lập không công nhận chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Trong quan hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam khẳng định chủ quyền ở miền Nam Việt Nam, nhưng không từ chối các tuyên bố về chủ quyền cả nước của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 2 miền lập đại diện. Về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công nhận Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là chính quyền hợp pháp ở miền Nam Việt Nam, do đó các văn kiện của nhà nước này có lúc khẳng định có 2 chính thể độc lập nhau, nhưng có lúc vẫn khẳng định Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là của cả nước, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam có chủ quyền tại Miền Nam. Vấn đề này chỉ được rõ ràng các văn kiện tại Hội nghị hiệp thương 1975 khi khẳng định Cộng hoà Miền Nam Việt Nam thi hành quyền lực pháp lý ở miền Nam, còn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thi hành quyền lực ở miền Bắc. Chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã tổ chức các cuộc bầu cử ở cấp địa phương, và ra các văn bản pháp luật quản lý theo thẩm quyền. Sau khi Hồ Chí Minh qua đời, Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời tổ chức Quốc tang tại vùng kiểm soát, gọi Hồ Chủ tịch là "Lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc Việt Nam".

Tem bưu chính Cộng hòa Miền Nam Việt Nam

Từ ngày 5-7/4/1972, lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công chiếm được thị trấn Lộc Ninh (tỉnh Bình Long) với 28.000 dân. Tại Lộc Ninh đã diễn ra các đợt trao trả tù binh của 2 bên miền Nam Việt Nam sau khi ký Hiệp định Paris.

Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là 1 trong 4 bên tham gia hòa đàm tại Paris và ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Sau Hiệp định Paris, thị xã Đông Hà trở thành nơi đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

Ngày 19/10/1973, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam công bố chính sách dân tộc gồm 8 điểm:

  1. Thực hiện bình đẳng dân tộc, đoàn kết các lực lượng dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
  2. Ra sức bảo tồn và phát triển các dân tộc anh em.
  3. Thực hiện đầy đủ quyền tự do dân chủ...
  4. Tôn trọng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc...
  5. Tôn trọng phong tục, tập quán tín ngưỡng, tôn giáo...
  6. Chăm lo quyền lợi về ruộng đất, nương rẫy cho đồng bào...
  7. Ra sức phát triển y tế, vệ sinh phòng bệnh, chữa bệnh bảo vệ bà mẹ trẻ em.
  8. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đông đảo đội ngũ cán bộ của dân tộc anh em.

Sau 30/4/1975 thiết lập cơ chế quân quản trước khi bộ máy chính quyền hoạt động bình thường. Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng Việt Nam Dân chủ cộng hòa đệ đơn xin gia nhập Liên hợp quốc, tuy nhiên cả hai lần họp Hội đồng Bảo an trong tháng 8 và 9 năm 1975 đều bị Mỹ phủ quyết. Tháng 12 năm 1975 Bộ Chính trị ra Nghị quyết điều chỉnh lại địa giới các tỉnh miền Nam. Tháng 2 năm 1976 chính quyền chính thức ra quyết định điều chỉnh lại các đơn vị hành chính theo đó miền Nam có 20 tỉnh, thành - khi đó tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh đã phổ biến (trong khi miền Bắc 17 tỉnh), riêng Bình Trị Thiên được thành lập theo thỏa thuận giữa Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ cộng hòa trên cơ sở các đơn vị hành chính từ Quảng Bình đến Thừa Thiên ở bắc và nam vĩ tuyến 17, và chuyển giao cho Việt Nam Dân chủ cộng hòa quản lý về cơ bản.

Các cơ quan chính quyền và Ủy ban nhân dân cách mạng cũng như hệ thống mặt trận, đoàn thể hoạt động bình thường dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cho đến khi chính thức thống nhất Nhà nước và các kỳ đại hội hợp nhất. Ở cấp trung ương thiết lập hệ thống đảng đoàn, ban cán sự đảng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 247 tháng 9 năm 1975 đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam và công tác tiến tới thống nhất Nhà nước. Trung ương Cục miền Nam và các Khu ủy giải thể, và thành lập Ban đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam. Theo cơ chế lãnh đạo, thì Chính phủ Cách mạng lâm thời dưới quyền Hội đồng Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhiều cơ quan ban ngành lần lượt được sáp nhập. Nhiều cán bộ được cử vào nam, và nhiều cán bộ miền Nam ra bắc công tác. Một số cán bộ từ miền Bắc vào Nam công tác vẫn giữ chức vụ ngoài Bắc. Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương, đặc biệt ở một số lĩnh vực, ngành cần có sự lãnh đạo đồng bộ xuyên suốt từ Bắc chí Nam, bao gồm các lĩnh vực kinh tế then chốt. Tuy nhiên về pháp lý, thì Hội đồng cố vấn làm công tác lập pháp ban hành pháp lệnh, nghị quyết, và Chính phủ cách mạng lâm thời thực tế vẫn ra các văn bản các vấn đề ở miền Nam dưới chỉ đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tuyên bố kế thừa Việt Nam Cộng hòa

Ngày 30/4/1975, sau khi tiếp nhận sự đầu hàng của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tuyên bố: “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam hiện nay thực hiện chủ quyền trên toàn vẹn lãnh thổ của mình trên toàn bộ miền Nam Việt Nam, là người đại diện chân chính và hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam, có đầy đủ quyền hành giải quyết những vấn đề quốc tế của miền Nam Việt Nam”. Thông qua tuyên bố này và việc tiếp nhận sự đầu hàng của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã khẳng định Cộng hòa Miền Nam Việt Nam chính thức thực hiện quyền kế thừa quốc gia đối với Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt là kế thừa chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa đối với lãnh thổ miền Nam Việt Nam, trong đó có 2 quần đảo Hoàng SaTrường Sa. Trên thực tế, sau năm 1975, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã kế thừa lãnh thổ, các cơ quan đại diện ở nước ngoài, tư cách thành viên tại các tổ chức quốc tế. Tất cả những kế thừa này của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đều được thực hiện theo đúng thông lệ quốc tế và Công ước về kế thừa quốc gia đối với Điều ước quốc tế năm 1978[5].

Sau ngày 30/4/1975, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã có 1 loạt tuyên bố khẳng định quyền thừa kế đối với tài sản quốc gia của miền Nam Việt Nam ở nước ngoài. Ví dụ như: Tuyên bố ngày 1/5/1975 của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Miền Nam Việt Nam khẳng định mọi tài sản, bao gồm cả tài liệu, hồ sơ lưu trữ, tài khoản ngân hàng, trụ sở, phương tiện giao thông và tất cả những tài sản khác của các cơ quan đại diện của Việt Nam Cộng hòa ở nước ngoài (Đại sứ quán, Lãnh sự quán, Cơ quan đại diện bên cạnh các tổ chức quốc tế…) là tài sản của nhân dân miền Nam Việt Nam và phải do Cộng hòa Miền Nam Việt Nam quản lý... Cũng với cách tiếp cận tương tự, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã đòi quyền đại diện tại hầu như tất cả các tổ chức quốc tế trong và ngoài hệ thống Liên Hợp Quốc mà trước đó Việt Nam Cộng hòa đã tham gia (WHO, ILO, UNESCO, ICAO, IAEA, IMF, Ngân hàng Thế giới…). Việc Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiếp quản các cơ quan đại diện và tài sản của chính phủ Việt Nam Cộng hòa cũng như quy chế hội viên tại các tổ chức quốc tế diễn ra thuận lợi, không gặp 1 trở ngại nào về pháp lý vì các quốc gia và tổ chức quốc tế đều quan niệm rằng theo luật pháp quốc tế đây chỉ là sự thay đổi chính quyền trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, không làm phát sinh chủ thể mới. Theo họ đây là thừa kế chính phủ chứ không phải thừa kế quốc gia. Việc tuyệt đại đa số thành viên Hội đồng Bảo anĐại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa XXX (1975) biểu quyết ủng hộ kết nạp Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm thành viên Liên Hợp Quốc càng chứng minh rõ việc này (năm 1975 không được kết nạp là do phiếu phủ quyết của Mỹ[6] vào ngày 30 tháng 9[7]).

Thống nhất nhà nước

Sau ngày 30/4/1975, lãnh thổ toàn miền Nam thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam.

Vào ngày 25/4/1976, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã cùng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành tổ chức cuộc Tổng tuyển cử để tái thống nhất nhà nước Việt Nam theo đúng các điều khoản về tiến hành các biện pháp chính trị để tái thống nhất Việt Nam trong Hiệp định Paris[8][9].

Về mặt đối nội, Ủy ban Quân quản ra Mệnh lệnh số 1: yêu cầu quân cán chính Việt Nam Cộng hòa ra trình diện chính quyền mới, đăng ký và nộp vũ khí bắt đầu từ ngày 8/5 - 31/5. Quân nhân cấp tướng và tá phải trình diện ở địa chỉ 213 Đại lộ Hồng Bàng, Sài Gòn. Cấp úy thì trình diện ở quận. Cảnh sát, tình báo thì phải đến Ủy ban An ninh Nội chính ở Sài Gòn. Hạ sĩ và binh lính thì đến Ủy ban phường. Sang tháng 6 thì mở đợt bắt giam các đối tượng trên trong các trại học tập cải tạo[10].

Vào tháng 9/1975, Hội nghị Trung ương lần thứ 24 của Đảng Lao động Việt Nam xác định mục tiêu thống nhất đất nước về mọi mặt[11]. Từ ngày 15-21/11/1975, Hội nghị Hiệp thương Chính trị được tổ chức tại Sài Gòn, giữa đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Trường Chinh đứng đầu, và đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, do Phạm Hùng đứng đầu, đã tán thành tổ chức bầu cử Quốc hội Thống nhất.

Hội đồng Bầu cử theo Hội nghị Hiệp thương, và Bộ Chính trị chỉ đạo, gồm: 11 đại biểu miền Bắc (Trường Chinh, Hoàng Văn Hoan, Xuân Thủy, Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa, Chu Văn Tấn, Trần Đình Tri, Nguyễn Thị Minh Nhã, Linh mục Võ Thành Trinh, Hòa thượng Trần Quảng Dung, Trương Tấn Phát), 11 đại biểu miền Nam (Phạm Hùng, Trần Lương, Bùi San, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, và 6 người khác hoặc nhân sĩ do Ban đại diện chỉ định), Chủ tịch: Trường Chinh, Phó Chủ tịch: Phạm Hùng.

Tháng 1/1976, cuộc họp liên tịch của Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòaHội đồng cố vấn Chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã ra quyết định: cuộc Tổng tuyển cử sẽ tiến hành vào chủ nhật 25/4/1976. Hội đồng bầu cử toàn quốc được thành lập do Trường Chinh làm Chủ tịch và Phạm Hùng làm Phó Chủ tịch.

Ngày 25/4/1976, Tổng tuyển cử trong cả nước được tổ chức, bầu ra 492 đại biểu của Quốc hội Việt Nam thống nhất. Từ ngày 24/6-3/7/1976, Quốc hội họp phiên đầu tiên, thông qua các nội dung:

Với sự kiện này, bắt đầu từ ngày 2 tháng 7 năm 1976, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức hợp nhất thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cộng hòa Miền Nam Việt Nam http://119.15.167.94/qdndsite/vi-VN/61/43/tap-chi-... http://www.richmond.edu/~ebolt/history398/PRG(1969... http://rulers.org/rulvw.html#vietnam http://www.worldstatesmen.org/Vietnam.html http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-... http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu... http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/417... http://quochoi.vn/70qhvn/lichsuQHVN/Pages/lich-su-... https://web.archive.org/web/20041231052806/http://... https://web.archive.org/web/20051105070548/http://...